|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Mai Trung thuộc vùng đất cổ, có con người đến sinh sống từ khá sớm. Đời sống kinh tế lấy việc trồng cấy lúa nước làm chủ đạo, lấy thóc gạo làm nguồn thức ăn chính. Thời Hùng Vương, biện pháp canh tác rất thô sơ, đơn giản, tùy thuộc vào từng thế đất. Phía Bắc, gò đồi trung du, con người phải chặt cây phá rừng, xua đuổi thú dữ, dùng lửa đốt để lất đất trồng tỉa. Phía Nam, đồng trũng, bùn sâu, nước nhiều, con người tự dẫm đạp cho ngấu đất, chết cỏ rồi gieo cấy.  Khi viên quan nhà Hán là Sỹ Nhiếp (137-226) sang làm Thái thú quận Giao Chỉ, đóng trụ sở ở Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) cùng một số quan lại khác mở trường dạy chữ Hán, truyền bá phong tục và kinh nghiệm canh tác thì dân cư bản địa biết dùng Trâu, Ngựa làm sức kéo, bón phân làm cỏ, thuần dưỡng gia cầm, có them ngành nghề mới tiến bộ hơn.  Mai Trung nhờ có vị trí địa lý thuận lợi, nên dễ đón nhận kỹ thuật của vùng rừng núi và kinh nghiệm phong phú của đồng bằng châu thổ sông Hồng. Cùng với cây lúa, cây dâu, cây mía, trầu không, rau ải….những đặc sản của bờ Bắc sông Cầu trên đất Hiệp Hòa, đặc biệt là nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ thì thôn Xuân Giang, Cẩm Bào, Cẩm Xuyên, Trung Hưng… đã sớm “Có nghề canh cửi có nghề tằm tang”. Nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa là nghề thu lợi gấp nhiều lần cấy lúa.

Mai Trung có nghề đan lát khá sớm (khoảng 200-300 năm): đan giành, bận quang, thừng, chạc…nay vẫn lưu nghề và có tiếng ở xứ Kinh Bắc. Ngoài ra còn có nghề mộc, nề, chạm khắc, đánh cá, bẫy chim…nhưng không phát triển lắm.

Mai Trung của người xưa để lại có 03 đình, 03 chùa, 02 lăng, 1 bản tục lệ, 02 cuốn địa bạ….Mỗi di sản là một tư liệu quý mang giá trị và ý nghĩa nhiều mặt. Mỗi công trình kiến trúc đều có bia đá ghi lại một sự kiện, 01 hiện tượng nào đó với mục đích truyền lại cho hậu thế. Trong số những di sản của người xưa, có giá trị nhất là các khu lăng (mộ) và trống đồng Xuân Giang.

Mai Trung có nhiều dòng họ lớn (Ngô, Nguyễn, Tạ, Phạm, Trần, Triệu…) qua nhiều đời vẫn giữ được nếp nhà gia phong, có người đỗ đạt, được thăng quan tiến chức.. Tiêu biểu như trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính, (cụ nội đời thứ 7) của Tri huyện Hiệp Hòa. Nguyễn Xuân Túc (quê gốc làng Phù Chẩn, Tiên Sơn, Bắc Ninh) đỗ tiến sỹ khoa thi Đinh Sửu (1637) và thi đỗ trạng nguyên, được phong “Tam nguyên đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, khai quốc trạng nguyên” – là một trong 6 trạng nguyên của cả nước….Khi mất được vua sắc phong “Sơn hà hiệu khí”, tên tuổi, sự nghiệp của ông được ghi trong Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội). Cháu nội đời thứ 2 của ông là Nguyễn Xuân Đỉnh đỗ tiến sỹ khoa thi năm 1676…và từ đó hậu duệ của ông cho đến nay vẫn đỗ đạt cao, có vị thế trong xã hội.

Đất Mai Trung từ xưa là nơi văn minh hội tụ. Văn hóa “lộ thiên’ có nhiều rạng rỡ. Văn hóa “chìm”- trầm tích trong long đất cũng có nhiều và tiêu biểu. Ở thôn Xuân Giang năm 1976 tìm thấy nhiều hiện vật cổ như dìu, bôn, lưỡi xéo…bằng đá và bằng đồng nằm trong các lớp đất ven sông Cầu. Đặc biệt có trống đồng (gọi là trống đồng Xuân Giang), hiện trưng bày ở Viện Bảo tàng Bắc Giang) có niên đại khoảng 2.500-3000 năm tuổi.

Mai Trung nằm trong vùng có nhiều lễ hội nổi tiếng như hội Ia (Y Sơn), Đông Lỗ, Hương Câu, Trâu Lỗ, Cẩm Xuyên….lại tiếp giáp với Sóc Sơn, Yên Phong là những trung tâm văn hóa lớn của quốc gia đã góp phần co người địa phương giao lưu, hội nhập, tạo dựng, giữ gìn những phong tục, tập quán đẹp và tín ngưỡng truyền thống. Việc ma chay, cưới xin, làm nhà, giỗ Tết…cùng một quan niệm và cách thể hiện. Tết Nguyên đán (đầu năm) và các tết mọn của các tháng (âm lịch) trong năm cũng phần nhiều trùng với các xã. Trong tiếp thu có chọn lọc, người Mai Trung không theo đạo nhưng có tín ngưỡng; có tín ngưỡng nhưng không cuồng tín. Xây đình, chùa nhưng không thoát tục. Coi việc đời làm trọng, lấy giáo lý nhà Phật để răn mình, dạy người. Các làng của Mai Trung đều có hương ước, tục lệ thành văn, có làng được tôn danh “Mỹ thục khả phong”. Để hướng thiện và khuyến thiện, dân làng lập bia, dựng miếu thờ làm hậu thần, hậu thánh….Đó là nét văn hóa độc đáo, trải qua các thế hệ làm cho con người càng thêm yêu quê hương, trách nhiệm với quê hương, khơi dậy lòng yêu nước nồng nàn và căn thù kẻ áp bức bất công, bọn cướp nước và bán nước.

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 6,451
Tổng số trong ngày: 156
Tổng số trong tuần: 314
Tổng số trong tháng: 4,636
Tổng số trong năm: 48,307
Tổng số truy cập: 104,649