|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Cỡ chữ: A- A A+
Đọc bài viết

Xã Mai Trung hiện nay có 03 di tích lịch sử được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đó là:

1. Lăng Nội Dinh (lăng Cẩm Trang), xây dựng năm 1738 thờ Ngô tướng quân, trên một gò thoáng đãng, theo đường thần đạo, đối xứng nhau từng cặp ngựa đá, võ sỹ đá, cột đá, chó đá và đai ngai xây bện bằng đá ong, đặt ngai đá xanh, 3 bậc đá nằm trong khu vực hình vuông, mỗi chiều 10m, tường đá ong cao 2m.  

Trải qua thời gian dài, chịu sự tác động của hoàn cảnh lịch sử xã hội nhưng lăng Nội Dinh đến nay vẫn còn bảo tồn được nhiều giá trị kiến trúc cổ của thời Hậu Lê. Nhìn tổng thể lăng Nội Dinh giống như một bảo tàng đá ngoài trời. Trên một số hiện vật, đồ thờ tự ở khu lăng đều được chạm khắc trên đá hình hoa lá, vân mây, hoa văn trám lồng, hình sóng nước, hoa văn khắc vạch... có giá trị nghệ thuật và mỹ thuật truyền thống. Những đề tài chạm khắc trên hiện vật đá rất tinh tế và khéo léo phản ánh rõ nét văn hoá thời hậu Lê có giá tri nghiên cứu lịch sử mỹ thuật truyền thống. Lăng Nội Dinh được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2008.

2. Đình, Chùa Trung Hoà

Trước Cách mạng Tháng Tám, đình, chùa Trung Hoà thuộc xã Trung Định, tổng Cẩm Bào, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Tổng Cẩm Bào có 7 xã: Cẩm Bào, Trung Trật, Trung Định, Mai Phong, Cẩm Xuyên, Cẩm Hoàng, Xuân Biều.

Sau Cách mạng Tháng Tám, sáp nhập một số xã trên thành xã Trung Nghĩa bao gồm các thôn: Trung Định, Mai Phong, Cẩm Bào, Cẩm Trung, Cẩm Xuyên, Cẩm Hoàng và Xuân Biểu. Tháng 10 năm 1954, xã Trung Nghĩa chia thành hai xã là Xuân Cẩm và Mai Trung. Xã Mai Trung có 7 thôn: Trung Hưng, Trung Hòa, Cẩm Trang, Nội Quan, Nội Xuân, Xuân Giang và Mai Phong. Nay đình, chùa Trung Hoà thuộc thôn Trung Hòa, xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

Cụm di tích đình, chùa Trung Hoà là công trình văn hoá tín ngưỡng được xây dựng từ thời Lê (thế kỷ 18) còn lại tới ngày nay. Cụm di tích toạ lạc trên khu đất rộng và bằng phẳng ở trung tâm thôn Trung Hòa. Cụm di tích nhìn về hướng Tây, phía trước có ao đình và khu dân cư, ba mặt xung quanh đều giáp khu dân cư. Đình Trung Hoà nằm cạnh ngôi chùa Trung Hòa tạo quần thể di tích, đình chùa liên hoàn.

Chùa Thiên Phúc có tên Nôm là chùa Trung Hoà, là nơi thờ Phật, thờ người có công.  Đình Trung Hoà là nơi thờ  Đức Thánh Tam Giang và thánh Cao Sơn Quý Minh. Hai ông làm tướng giúp Triệu Quang Phục đánh giặc Lương có nhiều công. Trong công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, năm 1947, đình Trung Hoà là địa điểm hoạt động và tuyên truyền cách mạng của Đảng. Năm 1950, đình Trung Hoà là địa điểm họp Hội nghị tỉnh ủy Bắc Ninh. Năm 1962, đình Trung Hoà là nơi phát động phong trào cải tạo đất bạc màu của Trung ương Đảng.

Mặc dù trải qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo nhưng cụm di tích đình, chùa Trung Hoà vẫn còn bảo lưu được nhiều giá trị của di tích cổ xưa. Đình Trung Hoà còn bảo lưu được bộ khung gỗ ở tòa hậu cung của ngôi đình cũ cùng một số tài liệu, hiện vật có giá trị nghiên cứu khoa học như: Tấm bia đá thời Nguyễn năm 1866, chân tảng cột đình, ngai thờ, bài vị, đài thờ...Chùa Thiên Phúc còn bảo lưu được một số pho tượng Phật thời Nguyễn và các tài liệu, hiện vật khác như: Bát hương thời Nguyễn (thế kỷ 19), đài thờ, mâm bồng...

Với những giá trị biêu biểu về di tích lịch sử văn hóa, đình, chùa Trung Hòa được Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2008 theo Quyết định số 2163/QĐ-UBND ngày 19/12/2008.

  1. Đình Mai Phong

Cũng như hàng trăm ngôi đình dọc đôi bờ Sông Cầu lịch sử và giàu chất thi ca. Đình Mai Phong thờ thánh: Cao Sơn và Tam Giang, đều là những vị tướng của vua Hùng, của Lý Nam Đế có công đánh giặc giữ nước “ Hồ quốc Tý dân”; Trừ trì diệt họa và đã được các triều đại phong kiến thời Lê, Nguyễn ban tặng phong thần làm thành hoàng làng Mai Phong. Việc thờ phụng thánh thần được tổ chức rất trọng thể, tôn nghiêm với đầy đủ các tiết lệ. Hàng năm, ngày sóc, vọng đều có lễ thờ Thánh, "Việc Làng" từ ngày 3 đến mồng 5 tháng 9 Âm lịch.

Mặc dù đã được sửa lại (Tu Lý) nhưng đình Mai Phong là một trong những ngôi đình lớn, vẫn giữ được gần như nguyên bản kết cấu kiến trúc của ngày khởi tạo: Đình gồm 3 gian, 2 chái, 2 dĩ, kết cấu 6 hàng chân cột. Với chiều dài toàn đình là 18,5cm và chiều rộng là 10,70m. Riêng gian giữa có bước gian rộng 3,40m, còn lại là 3,20m.

Không cổ điêu khắc trang trí kiến trúc, đó là nét độc đáo chỉ gặp ở riêng đình Mai Phong, mà không hề thấy ở bất cứ một ngôi đình nào khác của xứ Bắc nổi tiếng nhiều đình thời Lê này; Còn một nét độc đáo nữa về bố cục kiến trúc, là đình Mai Phong làm theo kiểu chữ Nhất. Duy nhất có một tòa Đại đình 3 gian 2 chái, 48 cột. Không có chuôi vồ, cũng chẳng hậu cung. Khám thờ bằng gỗ lim đẩy lui vào tận sau cột cái.

Hiện nay, trong Đình còn lưu giữ được những tài liệu, hiện vật khẳng định giá trị lịch sử của di tích như:  bộ kiện bát cống sơn thếp,  ngai thờ sơn thếp thời Lê, bài vị thờ sơn thếp thời Nguyễn, ngai thờ có giá ngự sơn thếp thời Nguyễn, sập thờ chân qùy dạ cá thời Lê; đôi đèn thờ, 1 mâm xe, 1 giá văn sơn son;  1 bức hoành phi cổ, 1 bia hậu thẩn đá xanh; 15 cờ thần và cờ ngũ hành; 7 đạo sắc phong thời Nguyễn…và nhiều đồ thờ khác.

Với những giá trị tiêu biểu về Kiến trúc - nghệ thuật, đình Mai Phong được Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2003 theo Quyết định số 178/QĐ-CT ngày 28/01/2003.

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 6,133
Tổng số trong ngày: 170
Tổng số trong tuần: 328
Tổng số trong tháng: 4,650
Tổng số trong năm: 48,321
Tổng số truy cập: 104,663