Thuế đất phi nông nghiệp là gì? Cách tính và đối tượng phải nộp?

|
Views:
dark-mode-label OFF
Font size: A- A A+
Đọc bài viết
Bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khi sử dụng đất đều sẽ phải nộp thuế theo quy định pháp luật trừ những đối tượng được miễn hoặc không phải nộp. Đất phi nông nghiệp là nhóm đất không sử dụng với mục đích làm nông nghiệp và không thuộc các loại đất chưa xác định mục đích sử dụng. Vậy thuế đất phi nông nghiệp là gì? Cách tính và đối tượng phải nộp thuế được quy định như thế nào?

1. Đất phi nông nghiệp là gì?

Luật đất đai năm 2013 quy định về các nhóm đất bao gồm: Đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng dựa trên căn cứ về mục đích sử dụng đất. Trong đó, đất phi nông nghiệp là loại đất không được sử dụng vào mục đích làm nông nghiệp, bao gồm nhiều loại đất khác nhau.

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai 2013, nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:

- Đất ở gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị (hay còn gọi là đất thổ cư);

- Đất xây dựng trụ sở cơ quan;

- Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh;

- Đất xây dựng công trình sự nghiệp gồm đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp; đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác;

- Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp gồm đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm;

- Đất sử dụng vào mục đích công cộng gồm đất giao thông (gồm cảng hàng không, sân bay, cảng đường thủy nội địa, cảng hàng hải, hệ thống đường sắt, hệ thống đường bộ và công trình giao thông khác); thủy lợi; đất có di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh; đất sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi, giải trí công cộng; đất công trình năng lượng; đất công trình bưu chính, viễn thông; đất chợ; đất bãi thải, xử lý chất thải và đất công trình công cộng khác;

- Đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng;

- Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng;

- Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng;

- Đất phi nông nghiệp khác gồm đất làm nhà nghỉ, lán, trại cho người lao động trong cơ sở sản xuất; đất xây dựng kho và nhà để chứa nông sản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đất xây dựng công trình khác của người sử dụng đất không nhằm mục đích kinh doanh mà công trình đó không gắn liền với đất ở.

 

2. Thuế đất phi nông nghiệp là gì?

Hiện nay, pháp luật không có định nghĩa về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Có thể hiểu thuế đất phi nông nghiệp là khoản tiền mà các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình phải đóng vào ngân sách nhà nước. Đất thuộc đối tường chịu thuế đất phi nông nghiệp được quy định tại Luật đất đai 2013. Khi có đất thuộc đối tượng chịu thuế đất phi nông nghiệp, chủ thể phải tiến hành nộp thuế tại cơ quan có thẩm quyền và mức thuế phải đóng sẽ phụ thuộc vào diện tích đất mà họ sử dụng. Giá đất và thuế suất của từng mảnh đất cũng khác nhau tùy từng khu vực.

Thuế đất phi nông nghiệp được thu theo vị trí, diện tích sử dụng đất.

Vai trò của thuế sử dụng đất phi nông nghiệp nhằm tăng cường quản lý Nhà nước đối với đất đai, khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ về đất và khuyến khích thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.

 

3. Cách tính thuế sử dụng đất

3.1. Căn cứ tính thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

Cách tính thuế sử dụng đất phi nông nghiệp được tính trên cơ sở căn cứ vào giá tính thuế và thuế suất được quy định tại: Luật đất đai 2013Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 2010Thông tư 153/2011/TT-BTC hướng dẫn về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp do Bộ Tài chính ban hành và Nghị định 53/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

 

3.2. Hạn mức tính thuế đất phi nông nghiệp

Hạn mức đất ở làm căn cứ tính thuế là hạn mức giao đất ở mới theo quy định của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, kể từ ngày Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 2010 có hiệu lực thi hành.

Trường hợp đất đã có hạn mức theo quy định trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì áp dụng như sau :

- Trường hợp hạn mức đất ở theo quy định trước ngày Luật có hiệu lực thi hành thấp hơn hạn mức giao đất ở mới thì áp dụng hạn mức giao đất ở mới để làm căn cứ tính thuế.

- Trường hợp hạn mức đất ở theo quy định trước ngày Luật có hiệu lực thi hành cao hơn hạn mức giao đất ở mới thì áp dụng hạn mức giao đất ở cũ để làm căn cứ tính thuế.

 

3.3. Công thức tính thuế đất phi nông nghiệp

Công thức tính số tiền thu thuế đất phi nông nghiệp như sau :

Số thuế phải nộp (đồng) = Số thuế phát sinh - Số thuế được miễn, giảm (nếu có)

Trong đó :

Số thuế phát sinh = Diện tích đất tính thuế x Giá của 1m² đất (đồng/m²) x Thuế suất (%).

Mức đóng thuế đất phi nông nghiệp dựa trên diện tích, giá của 1m² đất và thuế suất, cụ thể:

 + Diện tích đất tính thuế: Điều 5 Thông tư 153/2011/TT-BTC, quy định diện tích đất tính thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là diện tích đất phi nông nghiệp thực tế sử dụng.

+ Giá của 1m² đất: Là giá đất theo mục đích sử dụng của thửa đất tính thuế do UBND cấp tỉnh quy định và được ổn định theo chu kỳ 5 năm kể từ ngày 01/01/2012.

Lưu ý:

- Trong chu kỳ ổn định có sự thay đổi về người nộp thuế hoặc phát sinh các yếu tố làm thay đổi giá của 1m² đất tính thuế thì không phải xác định lại giá của 1m² đất cho thời gian còn lại của chu kỳ.

- Trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp hoặc từ đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp sang đất ở trong chu kỳ ổn định thì giá của 1m² đất tính thuế là giá đất theo mục đích sử dụng do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm được giao đất, cho thuê đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất và được ổn định trong thời gian còn lại của chu kỳ.

- Trường hợp đất sử dụng không đúng mục đích hoặc lấn chiếm thì giá của 1m² đất tính thuế là giá đất theo mục đích đang sử dụng do UBND cấp tỉnh áp dụng tại địa phương.

 

3.4. Thuế suất

Với đất ở, bao gồm cả trường hợp sử dụng để kinh doanh áp dụng theo biểu mẫu lũy tiến từng phần như sau :

Bậc thuế Diện tích tính thuế (m²) Thuế suất (%)
1 Diện tích trong hạn mức 0,03
2 Phần diện tích vượt không quá 3 lần hạn mức 0,07
3 Phần diện tích vượt quá trên 3 lần hạn mức 0,15

Các loại đất khác:

STT Loại thuế Thuế suất (%)
1 Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, đất phi nông nghiệp khác sử dụng vào mục đích kinh doanh 0,03
2 Đất sử dụng không đúng mục đích, đất chưa sử dụng theo đúng quy định 0,15
3 Đất lấn, đất chiếm 0,2

 

4. Đối tượng phải nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

Đối tượng phải nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp được quy định tại Điều 3 Thông tư 153/2011/TT-BTC quy định về người nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp như sau:

- Người nộp thuế là tổ chức, gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất thuộc đối tượng chịu thuế.

- Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì người đang sử dụng đất là người nộp thuế.

- Người nộp thuế trong một số trường hợp cụ thể :

+ Trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư: người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất là người nộp thuế;

+ Người có quyền sử dụng đất cho thuê đất theo hợp đồng: người nộp thuế được xác định theo thỏa thuận trong hợp đồng. Trường hợp không có thỏa thuận về người nộp thuế thì người có quyền sử dụng đất là người nộp thuế;

+ Trường hợp đất đã được cấp Giấy chứng nhận nhưng đang có tranh chấp thì trước khi tranh chấp được giải quyết, người đang sử dụng đất là người nộp thuế;

+ Nếu nhiều người cùng có quyền sử dụng một thửa đất: người nộp thuế là người đại diện hợp pháp của những người cùng có quyền sử dụng thửa đất đó;

+ Trường hợp người có quyền sử dụng đất góp vốn kinh doanh bằng quyền sử dụng đất mà hình thành pháp nhân mới có quyền sử dụng đất thuộc đối tượng chịu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp thì pháp nhân mới là người nộp thuế;

+ Trường hợp nhà thuộc sở hữu Nhà nước: người nộp thuế là người cho thuê nhà; Trường hợp được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án xây nhà để bán, cho thuê: người nộp thuế là người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.

Trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân khác thì người nộp thuế là người nhận chuyển nhượng.

Đa chức năng Đa chức năng

User Online: 9,604
Total visited in day: 184
Total visited in Week: 648
Total visited in month: 183
Total visited in year: 70,056
Total visited: 126,398